THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách
trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội
UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội” vào ngày 14/3/2025 tại Hội trường Thành ủy Hà Nội (số 9 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hoá các nội dung hợp tác giữa UBND Thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đồng thời làm rõ thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường của Hà Nội; kinh nghiệm trong quản lý, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cấp bách cần triển khai để nâng cao chất lượng môi trường, năng lực quản lý môi trường nhằm thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành động trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Nội dung Hội thảo dự kiến tập trung vào 03 nhóm vấn đề trọng tâm:
(1) Nhận diện các vấn đề môi trường cấp bách của Thủ đô Hà Nội; trong đó trọng tâm xác định các vấn đề về ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ô nhiễm không khí), xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm.
(2) Kinh nghiệm quốc tế trong xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường phù hợp với thành phố Hà Nội.
(3) Các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường Thủ đô nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường đã đặt ra trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung vào các giải pháp về công nghệ, quản lý.
Hội thảo thu hút sự quan tâm rất lớn của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn Thành phố cũng như một số tỉnh, thành bạn. Hội thảo dự kiến có khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp… Ban Tổ chức nhận được hơn 50 bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội. Ban Tổ chức lựa chọn một số tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo; phần thảo luận có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà quản lý, nhà khoa học được mời tham dự Hội thảo. Kết thúc Hội thảo, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, xuất bản Kỷ yếu hội thảo. Đây sẽ là tài liệu quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường của Thủ đô, cũng như việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Ngoài ra, Hội thảo tổ chức không gian trưng bày một số poster và trình bày giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của một số đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Có thể khẳng định, các khâu chuẩn bị đã hoàn tất để hội thảo diễn ra đúng tính chất một hội thảo khoa học thực thụ. Với trí tuệ và tâm huyết, với sự đa dạng từ góc nhìn của nhà quản lý, nhà khoa học, Hội thảo kỳ vọng sẽ thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như cụ thể hóa việc thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung./.
Ban Tổ chức Hội thảo
- Công bố, trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường
- Trung tâm Nghiên cứu công nghệ biển và Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn
- Đoàn sinh viên DH11QM (Khoa Môi trường) Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đến thăm quan, trải nghiệm thực tế môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển
- Viện Tài nguyên và Môi trường biển phát huy hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ trong năm 2020
- Sản phẩm KHCN nổi bật “Lò đốt chất thải rắn y tế VHI-18B”
- Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ Biofloc