Gần đây, các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã nghiên cứu và đưa ra bộ số liệu, thông tin hoàn chỉnh về số lượng thành phần loài và diện tích phân bố của 50 thảm cỏ biển tiêu biểu cũng như hàm lượng, trữ lượng cacbon hữu cơ của các thảm cỏ biển tại 4 khu vực nghiên cứu trọng điểm, đại diện cho các vùng ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là bộ số liệu quan trọng, có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn, giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các thảm cỏ biển vùng ven bờ Việt Nam.

Cỏ biển – nguồn hấp thu cacbon đáng tin cậy
Cỏ biển (seagrasses) là nhóm thực vật bậc cao có hoa duy nhất, sống trong môi trường biển và nước lợ. Thảm cỏ biển (seagrass beds) là môi trường sống quan trọng của sinh vật thuỷ sinh ven bờ, đặc biệt đối với vùng biển ven bờ nhiệt đới. Ngoài giá trị về mặt sinh thái, hệ sinh thái (HST) cỏ biển còn được ghi nhận với vai trò rất lớn trong điều chỉnh môi trường bởi khả năng lưu trữ lượng lớn cacbon hữu cơ. Theo ước tính, khả năng lưu trữ cacbon hữu cơ của cỏ biển trên toàn cầu vào khoảng 19,9 tỷ tấn, cao hơn 2 – 3 lần so với rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Tốc độ hấp thụ cacbon nhanh hơn 35 lần so với rừng mưa nhiệt đới. Mặc dù diện tích các thảm cỏ biển trên toàn cầu là không lớn (0,2% diện tích), nhưng đóng góp 10 – 18% vào lượng cacbon hữu cơ trong HST biển, tích lũy trung bình đạt tới 48 – 112 triệu tấn/năm.
Bảo tồn và phát triển các thảm cỏ biển được xem là một giải pháp tự nhiên hỗ trợ các hoạt động nhằm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì lẽ đó, tại Hội nghị quốc tế về cỏ biển lần thứ III họp tại Manila (Philippines) vào tháng 4/1998 đã nhất trí thông qua “Hiến chương cỏ biển” gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các nước có biển cần phải quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi cỏ biển. Và việc phục hồi HST quan trọng này cũng đã được đưa vào kế hoạch biến đổi khí hậu khi 159 quốc gia có cỏ biển đã ký kết Thỏa thuận Paris năm 2015.
Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, hơn 50.000 km2 lãnh hải (Bộ Ngoại giao, 2002), với hệ thực vật thuỷ sinh ven biển phong phú, được xem là HST cacbon xanh khổng lồ. Cỏ biển đã được công nhận có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và lưu trữ cacbon. Tuy nhiên, những nghiên cứu về khả năng hấp thụ, lưu trữ cacbon của các HST dưới nước, trong đó có HST cỏ biển ở Việt Nam còn hạn chế. Trong các báo cáo kiểm kê quốc gia, cỏ biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức so với các thảm thực vật trên cạn. Việc tính toán và xác định được trữ lượng cacbon hữu cơ trong các thảm cỏ biển ven bờ sẽ góp phần bổ sung cơ sở khoa học quan trọng cho nỗ lực chung của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu xác định
Với mục tiêu xác định được trữ lượng cacbon hữu cơ tại các thảm cỏ biển tiêu biểu ở một số vùng ven bờ Việt Nam và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững HST thảm cỏ biển ở vùng ven bờ Việt Nam, TS. Cao Văn Lương và cộng sự tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định trữ lượng cacbon xanh trong các thảm cỏ biển ở vùng ven bờ Việt Nam” (mã số VAST06.01/22-23).

Các nhà khoa học đã tổ chức 2 chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng và biến động của các thảm cỏ biển tại 4 khu vực đại diện là Hà Dong (tỉnh Quảng Ninh), Cửa Gianh (tỉnh Quảng Bình), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Qua tổng hợp, thống kê tài liệu giai đoạn 1996 – 2020, đã xác định có tổng số 15 loài cỏ biển, phân bố trên tổng diện tích 21.885 ha ở khắp các vùng biển đảo ven bờ Việt Nam, nơi xa nhất tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tại 4 khu vực nghiên cứu, đã xác định được 10 loài cỏ biển phân bố trên tổng diện tích 8.623,4 ha. Hiện nay, HST cỏ biển có xu hướng suy giảm cả về số lượng thành phần loài, diện tích phân bố, độ phủ và sức khỏe.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xây dựng, cập nhật bổ sung 4 bản đồ phân bố chi tiết các thảm cỏ biển tại Hà Dong, Cửa Gianh, Vân Phong và Phú Quốc vào bộ cơ sở dữ liệu bản đồ, sơ đồ phân bố các thảm cỏ biển tại Việt Nam. Trong đó, tổng trữ sinh khối khô tại 4 khu vực nghiên cứu đạt 67.097,4 tấn. Tổng trữ lượng cacbon hữu cơ trong các thảm cỏ biển (sinh khối và trầm tích) tại 04 khu vực nghiên cứu đạt 346.032,6 tấn Corg (40,12 tấn Corg/ha). Ước tính tổng trữ lượng cacbon hữu cơ của các thảm cỏ biển Việt Nam đạt 878.026 tấn Corg, tương ứng 3.222.356 tấn CO2 hoặc 3.222.356 tín chỉ cacbon. Qua nghiên cứu, TS. Lương và cộng sự đã tính toán, lượng giá giá trị trữ lượng cacbon hữu cơ trong các thảm cỏ biển tại Việt Nam tương đương với 64.447.123 đô la Mỹ.
Từ các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững HST cỏ biển, đồng thời, phát triển và mở rộng các khu vực bảo tồn cỏ biển. Ngoài việc duy trì, tái tạo HST ven biển, nghiên cứu còn cung cấp luận cứ khoa học cho Việt Nam chuẩn bị tham gia vào thị trường cacbon trong khu vực và trên thế giới.
TS. Cao Văn Lương cho biết: Đây là những thành công bước đầu, kết quả nghiên cứu là những đánh giá tức thời trong 2 năm thực hiện, để có những kết quả chính xác hơn về HST cỏ biển, cần tiếp tục theo dõi, giám sát dài hạn, nghiên cứu, đánh giá dịch vụ các thảm cỏ biển trong tương lai. Đồng thời, cần bổ sung nghiên cứu thông tin về thảm cỏ biển các khu vực biển, đảo ngoài khơi như một số quần đảo tại vịnh Thái Lan. Cuối cùng, cần có hành động cụ thể từ các đơn vị quản lý, các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường sự quản lý và quan tâm hơn nữa đến các thảm cỏ biển ở Việt Nam.
Nguồn tin:
- Công bố, trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường
- Viện Tài nguyên và Môi trường biển tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong nghiên cứu về sứa biển Việt Nam
- Sổ tay vận hành và bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời mái nhà
- Bằng sáng chế: “Phương pháp và hệ thống tái cấu trúc kết nối của các tấm pin quang điện của hệ thống năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả Viện KHNL Năng lượng và Môi trường
- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
- Tảo Nannochoropsis Oculata