Khảo sát hỗn hợp Pháp – Việt Nam ở vùng biển ven bờ Việt Nam: bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Viện nghiên cứu vì sự phát triển Pháp

31/05/ 2024 8 lượt xem

Quá trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên môi trường biển giữa Viện tài nguyên và Môi trường biển (IMER) và Viện nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (French National Research Institute for Sustainable Development (IRD) đã được bắt đầu từ năm 2008. Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của con người và thủy động lực tới các quần xã thực vật phù du và vi khuẩn nổi ở cửa sông Bạch Đằng” (Hydrodynamic and Anthropogenic Influences on Phytoplankton and bacteriOplank-ton of the Bach DaNG Estuary- HAIPHONG “, đánh dấu mốc đầu tiên của hoạt động hợp tác nghiên cứu về các quá trình động lực, môi trường, sinh thái ở vùng cửa sông ven bờ Việt Nam.

Được sự tạo điều kiện và hỗ trợ của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2008-2023, IMER và IRD đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ nhau trong các hoạt động chuyên môn của IRD tại Việt Nam. Các nhà khoa học của IMER và IRD đã cùng chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài dự án quốc tế (HAIPHONG, LOTUS, VI-TEL, VIETNAMINS), các đề tài cấp quốc gia (Black Cabon, VT/CB-01/14-15, …), các đề tài HTQT cấp Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (VAST.HTQT.Phap.01/14-15, QTFR01.01/20-21, QTFR02.01/23-24, ..). Một số lĩnh vực nghiên cứu hai bên đã tập trung hợp tác nghiên cứu trong thời gian qua như các quá trình động lực – trầm tích vùng cửa Cấm – Nam Triệu, cửa sông Văn Úc, cửa sông Mê Kông; các quá trình sinh – địa – hóa ở khu vực vịnh Hạ Long ven biển Hải Phòng, quang học biển và các quá trình liên quan ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Trong đó có nhiều kết quả nghiên cứu, phát hiện mới đáng chú ý như sự ảnh hưởng của đập Hòa Bình đến dòng vật chất từ sông Hồng đưa ra vùng ven bờ Bắc Bộ, sự hình thành các vùng đục cực đại (Estuarine turbidity maximum) ở khu vực cửa cấm Nam Triệu, ảnh hưởng của muội than đến vi sinh vật ở vùng ven bờ khu vực vịnh Hạ Long và cửa sông Bạch Đằng.

Đến hết năm 2023, IMER và IRD đã tổ chức được gần 40 chuyến khảo sát ở vùng cửa sông ven biển Việt Nam. Trong đó có chuyến khảo sát hỗn hợp Pháp – Việt Nam về động lực- môi trường biển ở vùng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ bằng tàu nghiên cứu khoa học ALIS từ 19/6/2014 đến 12/7/2014. Hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa IMER và IRD đã góp phần đào tạo 4 tiến sỹ (02 tiến sĩ là nhà khoa học trẻ của IMER và 02 tiến sĩ của IRD), và công bố gần 50 bài báo quốc tế (trong đó có 35 bài báo quốc tế uy tín).

Các nhà khoa học của IMER và IRD trong chuyến khảo sát năm 2008
Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN thăm tàu ALIS nhân chuyến khảo sát hỗn hợp giữa VAST và IRD năm 2014
Chuẩn bị và tập huấn cách thức sử dụng các thiết bị đo cho chuyến khảo sát hỗn hợp trên tàu ANTEA
Tàu nghiên cứu Hải dương học ANTEA dời cảng Hải Phòng bắt đầu chuyến khảo sát hỗn hợp Pháp Việt (tháng 5/2024)

Với những kết quả hợp tác rất tích cực giữa IMER và IRD, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã giao cho IMER phối hợp cùng IRD chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu vận chuyển vật chất từ lục địa (river plume) và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam” và cùng IRD tổ chức chuyến khảo sát hỗn hợp Pháp – Việt Nam ở vùng biển ven bờ Việt Nam bằng tàu nghiên cứu biển ANTEA. Sau hơn 6 tháng chuẩn bị tích cực, với sự ủng hộ của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban HTQT cùng các Bộ ban ngành có liên quan, ngày 28/5/2024 vừa qua, tàu nghiên cứu ANTEA cùng các nhà khoa học của phía Pháp (IRD, CNRS, IFREMER, Pure-Ocean) và Việt Nam (Viện Tài nguyên và Môi trường biển – IMER, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH, Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường – ISTEE, Viện Hải dương học – IO, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh – HCMUT) đã khởi hành từ cảng Hải Phòng để triển khai hoạt động đo đạc, lấy mẫu trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Chuyến khảo sát này được tiến hành liên tục cho đến ngày 11/7/2024 và diễn ra ở toàn dải ven biển Việt Nam, tập trung chi tiết hơn ở vùng ven biển Bắc Bộ và ven bờ sông Mê Kông. Dự kiến chuyến khảo sát này sẽ thu được bộ số liệu mới nhất, đồng bộ, hệ thống với khoảng trên 100 bộ mẫu về các quá trình vật lý, các quá trình sinh -địa – hóa, vi nhựa, trứng cá – cá con và các mẫu đo nhanh khác ở vùng biển ven bờ Việt Nam.

Các nhà khoa học Pháp -Việt tại Hải Phòng (tháng 5/2024)

Chuyến khảo sát này có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ của phía Việt Nam thông qua việc tham gia/ học hỏi cách thức khảo sát, thu mẫu, phân tích mẫu, làm việc trên tàu nghiên cứu biển hiện đại ANTEA. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Viện nghiên cứu vì sự phát triển Pháp và là hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác giữa VAST và IRD.

Nguồn tin: Vũ Duy Vĩnh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển

Biên tập: Nguyễn Thị Vân Nga, Trung tâm Thông tin – Tư liệu.

Bài viết cùng chủ đề:

    Phòng hỗ trợ nhân sự