Từ ý tưởng đến thực tiễn nghiên cứu ứng dụng khí sinh học phát điện và sản xuất phân hữu cơ sinh học phát triển nông nghiệp tại Tây Nguyên

06/01/ 2024 484 lượt xem

PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện KHCN Năng lượng và Môi trường được Quỹ Toàn cầu Hitachi đánh giá cao về các công trình nghiên cứu phát triển ứng dụng khí sinh học tiên tiến tận dụng bùn thải từ các nhà máy bia và nhà máy mía đường để sản xuất điện và phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ môi trường bền vững ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Năm 2020, PGS. TS. Đỗ Văn Mạnh đã được Quỹ Toàn cầu Hitatchi trao chứng nhận đoạt Giải nhất Sáng tạo châu Á 2020 và sự kiện này đã vinh dự được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh danh là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2020.

Thành quả đó có được từ ý tưởng, các kết quả thực nghiệm và công bố của đề tài “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk” thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 do PGS. TS. Đỗ Văn Mạnh làm chủ nhiệm.

Công nghệ ứng dụng trong đề tài là công nghệ phân hủy yếm khí và thu hồi khí sinh học từ bùn phát sinh từ hoạt động sản xuất và xử lý nước thải. Công nghệ này đã và đang được các nước tiên tiến trên thế giới quan tâm nhằm tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị từ quá trình sản xuất và xử lý nước thải công nghiệp, như: phát điện, phân bón hữu cơ, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, giảm đáng kể lượng bùn thải phát sinh và chi phí xử lý.

Từ kết quả đề tài, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh đã xây dựng thành công 3 mô hình xử lý bùn thải thành phân bón hữu cơ với quy mô bán công nghiệp công suất 80m3/ngày, công suất phát điện 20 kW, canh tác cho 3-5 ha cây trồng ở tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đề tài đã được triển khai tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung từ tháng 7/2018 cho tới nay. Toàn bộ lượng bùn thải khoảng 15 tấn bùn mỗi ngày được xử lý để phát điện với công suất 20 kW, đủ điện để vận hành hệ thống và dùng vào một số mục đích khác như thắp sáng. Lượng bùn thải sau khi lên men yếm khí sẽ được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học.

Hình hệ thống công nghệ làm sạch khí sinh học và phát điện qui mô công nghiệp tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung

 

Qua đánh giá của các cơ quan quản lý chức năng về phân bón hữu cơ, các chỉ tiêu đều đạt và vượt các tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt tại các mô hình khảo nghiệm sử dụng phân bón cho kết quả khả quan giúp tăng độ tơi xốp, giữ ẩm cho đất, nâng cao độ phì nhiêu và nâng hiệu quả sử dụng phân hữu cơ; phù hợp để trồng các loại rau an toàn, cây công nghiệp ngắn ngày…. Các sản phẩm rau tại mô hình đều cho năng suất và chất lượng tốt, hạn chế được sâu bệnh, giảm công chăm sóc, năng suất và chất lượng tăng vượt trội so với phân bón hóa học thông thường.

Đề tài đã chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận, đào tạo được cán bộ vận hành hệ thống, đưa mô hình phát huy được hiệu quả trong thực tế sản xuất. Thành công của đề tài là bước đệm quan trọng để nhóm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý bùn thải hữu cơ ở quy mô bán công nghiệp.

Nguồn tin: VAST – PGS. TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện KHCN Năng lượng và Môi trường

Tác giả: Thanh Hà

    Phòng hỗ trợ nhân sự