Quảng Ninh loại bỏ ‘bẫy tử thần’ trên biển để cứu môi trường

26/12/ 2023 218 lượt xem

Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh) đã loại bỏ phao xốp để chuyển sang vật liệu nổi thân thiện, nhằm cứu môi trường biển vốn chịu nhiều tác động tiêu cực.

Phao xốp bủa vây Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: N.H

“Bẫy tử thần” trên mặt biển

Hàng chục năm trở lại đây, dọc bờ biển tại Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) người nuôi trồng thủy sản có thói quen sử dụng phao xốp không rõ nguồn gốc để làm lồng bè.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng những lồng bè làm bằng phao xốp này khi gặp mưa bão, lâu ngày bị hư hỏng hay thậm chí người dân cố tình vứt bỏ và trở thành rác trôi nổi trên mặt biển. Trên thực tế, lâu nay, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long vẫn phải “gánh” hàng tấn phao xốp, nhựa do ngư dân thải ra.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, thống kê của đơn vị này từ đầu năm 2020 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 21.303 ha; trong đó có trên 5.488 ha (nuôi cá biển trên 1.400 ha và nuôi nhuyễn thể gần 4.000 ha) phao xốp đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản; có khoảng 2.500 cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng hơn 10 triệu phao xốp.

Phao xốp để nuôi hàu trên vịnh Bái Tử Long như những mạng nhện khổng lồ. Ảnh: N.H

Đáng chú ý, trong hơn 5.488 ha diện tích phao xốp nuôi trồng thủy sản đang có gần một nửa diện tích nằm ngoài quy hoạch, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Ghi nhận của Thanh Niên tại H.Vân Đồn, nơi diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh (chiếm 65% diện tích toàn tỉnh), cho thấy phần lớn ngư dân đang dùng phao xốp để làm lồng bè.

Không những vậy, tổng số phao xốp ngư dân H.Vân Đồn đang sử dụng để nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi hàu, trên vịnh Bái Tử Long là hơn gần 10 triệu. Điều đáng lo ngại, trong quá trình sử dụng, hầu hết phao xốp hỏng đều bị ngư dân vứt bỏ trên biển, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Anh Nguyễn Tường Mỹ (xã Bản Sen, H.Vân Đồn) lý giải nguyên nhân ngư dân chuộng dùng phao xốp bởi vật liệu này vận chuyển dễ dàng, giá thành lại rẻ. “Giá mỗi phao xốp trên thị trường dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/chiếc, trong khi phao nhựa theo quy chuẩn thấp nhất là 50.000 đồng/chiếc. Chúng tôi cũng muốn dùng phao nhựa nhưng nay không có vốn để làm”, anh Mỹ nói.

Không chỉ xâm hại môi trường mà những phao xốp hiện nay còn như chiếc bẫy giăng kín trên biển, làm cản trở việc lưu thông của tàu, thuyền. Lý do là bởi hàng trăm ha nuôi hàu, hà tại H.Vân Đồn dùng phương pháp treo dây bằng phao xốp. Những vựa hàu đan vào nhau như mạng nhện trên biển, thời gian gần đây nhiều tàu thuyền đã dính bẫy, hay lạc đường do “mạng lưới” phao xốp bủa vây.

Ông Nguyễn Mạnh Long, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, cho biết tình trạng người dân nuôi hàu bằng phao xốp gần đây gia tăng diện tích xâm phạm cả luồng đường thủy nội địa tuyến Tuần Châu – Cô Tô.

“Chúng tôi đã kiến nghị với UBND H.Vân Đồn và Công ty CP quản lý Đường sông số 3 về tình trạng này để phối hợp xử lý, đảm bảo an toàn giao thông thủy”, ông Long nói.

Quyết xóa sổ phao xốp từ năm 2022

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, đơn vị này vừa ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại trên địa bàn. Quy định cũ được ban hành vào tháng 8.2020.

Theo đó, từ ngày 1.1.2022, các cơ sở nuôi trồng thủy sản mặn, lợ đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có, phải thực hiện xong việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn.

Các hộ dân ở Vân Đồn sử dụng ô lồng cũ nát bằng phao xốp nguy hại tới môi trường. Ảnh: N.H

Dù vậy, sau 5 tháng triển khai, công tác tuyên truyền vẫn tích cực nhưng tỷ lệ ngư dân thực hiện theo chủ trương trên của tỉnh Quảng Ninh lại rất hạn chế. Bởi, nếu thay thế toàn bộ phao xốp trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long người dân phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng.

Theo ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, sau khi được tuyên truyền, cơ bản người dân đều đồng ý với chủ trương thay thế phao xốp để vừa nuôi trồng bền vững vừa bảo vệ môi trường. Nhưng ngư dân cũng mong muốn có lộ trình dài hơn bởi khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19 và cho phép thay thế dần vì hầu hết phao xốp cũng sắp đến thời kỳ phải thay.

Cũng theo ông Vũ, để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, H.Vân Đồn mời các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực phao nhựa vào cùng hỗ trợ ngư dân. Theo đó, họ sẽ nghiên cứu cung cấp vật liệu nổi theo tiêu chuẩn và có chính sách hỗ trợ lãi suất 0 đồng trong 6 tháng; thu mua lại phao xốp, vỏ hàu để xử lý.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, đơn vị này lên danh sách đơn vị cung ứng vật liệu nổi và làm đầu mối để có cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển sang vật liệu này.

“Ngoài hỗ trợ về giá, những hộ dân chuyển sang vật liệu mới còn nhận được các cơ chế chính sách về vay vốn, cho thuê mặt nước khác của địa phương. Cùng với đó, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp xâm lấn mặt biển gây hại môi trường”, vị lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết.

(Theo Lã Nghĩa Hiếu – TNO)

Bài viết cùng chủ đề:

    Phòng hỗ trợ nhân sự