Những đóng góp về khoa học và công nghệ biển trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển của Viện tài Nguyên và Môi Trường biển

27/02/ 2025 197 lượt xem

NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BIỂN TRONG HÀNH TRÌNH 65 NĂM XÂY DỰNG
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN

1. TÓM TẮT

Năm 2024, đánh dấu 65 năm xây dựng và phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (1959-2024) với những thành tích nổi bật về hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp cho phát triển kinh tế biển và khẳng định quyền, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Với thế mạnh của đơn vị nghiên cứu khoa học biển đa ngành, Viện đã lấy nghiên cứu khoa học cơ bản làm nền tảng trong hoạt động thông qua việc cung cấp có hệ thống dữ liệu điều tra tổng hợp về tài nguyên và môi trường biển cho quốc gia. Các số liệu  điều tra cơ bản về biển đã được sử dụng làm căn cứ để giải quyết các vấn đề phân định đường biên giới, xây dựng hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.  Các dữ liệu điều tra về biển cũng đã được các Bộ, Ngành, địa phương ven biển sử dụng cho quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Trong 10 năm trở lại đây (2014-2024) các hoạt động nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng được đẩy mạnh. Viện là đơn vị sở hữu 04 giải pháp hữu ích trong lĩnh vực phát triển nuôi siêu thâm canh các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế. Phát triển công nghệ tách chiết các hoạt tính sinh học từ biển phục vụ cho sản xuất mỹ phẩm và y dược. Là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và phát triển khoa học về quản trị biển như các lĩnh vực quản lý tổng hợp vùng bờ, quy hoạch không gian biển, bảo tồn biển, phát triển kinh tế biển và hải đảo xa bờ, mô hình hóa các quá trình sinh-địa-hóa trên Biển Đông. Sứ mệnh 65 năm của Viện chưa hoàn thành, trong thời gian tới Viện cũng xác định cần phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu để đáp ứng được tối đa các đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân. Một số định hướng hoạt động trong tương lai cũng được gợi mở trong điều kiện vừa triển khai tốt công tác nghiên cứu khoa học và thích nghi với mô hình quản lý mới.

2. MỞ ĐẦU

Hơn một nửa thế kỷ xây dựng, phát triển đơn vị từ buổi đầu ngày mới thành lập chỉ là một tập hợp các cán bộ khoa học được điều động từ các lực lượng hải quân, một số cán bộ được đào tạo có trình độ đại học và một số rất ít các nhà khoa học có trình độ sau đại học (Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ) để làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế với nước bạn Trung Quốc thực hiện điều tra tổng hợp vịnh Bắc Bộ. Trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ từ cái buổi ban đầu ấy, Viện đã phát triển lớn mạnh và trở thành Viện nghiên cứu đa ngành cấp quốc gia về Tài nguyên và Môi trường biển đóng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Không thể kể hết được những khó khăn của thời kỳ vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – những người lính – nhà khoa học ấy đã vượt qua đạn bom để mang lại cho quốc gia những dữ liệu khoa học đóng vai trò nền tảng về hiện trạng các điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học biển, nguồn lợi sinh vật biển, các hệ sinh thái ven bờ….phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của thành phố cũng như quốc gia. Viện tự hào có 05 cán bộ là liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan và tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ, phòng thủ của thành phố. Những hy sinh của các thế hệ đã tô thắm thêm truyền thống của đơn vị và là nhân chứng cho các thế hệ sau về cái giá phải trả của hòa bình.

3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NỔI BẬT

Sau khi hòa bình lập lại, một nước Việt Nam thống nhất đã ra đời và đặc biệt sau thời kỳ đổi mới toàn diện nền kinh tế (1986), được sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và thành phố Hải Phòng, các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện bắt đầu có những khởi sắc. Viện đã chuyển mình từ một đơn vị nghiên cứu chuyên về nghiên cứu cơ bản sang đơn vị Nghiên cứu và Phát triểm công nghệ với hàng loạt các công trình khoa học được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, được các địa phương nhận chuyển giao đánh giá cao. Trong 10 năm trở lại đây (2014-2024), hoạt động khoa học của Viện ngày càng đi vào thực chất, khoa học phục vụ cho công tác phát triển kinh tế xã hội, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiêp. Có thể đánh giá ở một số hướng nghiên cứu chính sau đây:

+ Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng: về cơ bản đã có được bộ cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên sinh học và môi trường biển các vũng , vịnh ven bờ, các hệ thống đầm phá ở miền Trung, các hệ sinh thái ven bờ, đảo tiền tiêu và quần đảo Trường Sa. Đã triển khai nghiên cứu một số đối tượng hệ sinh thái mới như các gò, đồi ngầm ven biển, hệ thống các hang động, tùng áng, hồ nước ngọt trên đảo…góp  phần đánh giá đầy đủ nguồn vốn tự nhiên cho phát triển bền vững kinh tế biển.

+ Phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến: với mục tiêu  phục vụ cho điều tra tài nguyên, đánh giá hiện trạng môi trường như công nghệ chụp ảnh bằng thiết bị bay không người lái tầm thấp nhằm bổ trợ cho công tác giải đoán ảnh vệ tinh xây dựng các bản đồ chuyên đề hiện trạng hệ sinh thái biển, quy hoạch bảo vệ và sử dụng đới bờ biển cũng như quy hoạch không gian biển.  Sử dụng Rô bốt lặn biển trong nghiên cứu vùng biển sâu, xa bờ. Bộ công cụ mô hình hóa các yếu tố thủy thạch động lực trong nghiên cứu tương tác sông biển, chống xói mòn bờ biển và sa bồi luồng vào cảng.

Xây dựng bản đồ phân bố các hệ sinh thái ven biển từ nguồn ảnh chụp bằng thiết bị bay không người lái tầm thấp drone (fly cam)

+ Phát triển công nghệ tách chiết các chất có hoạt tính sinh học từ sinh vật biển: như tách chiết Collagen từ sứa biển, tách chiết Chitosan từ vỏ tôm… tạo ra các tiền chất để thương mại hóa sản phẩm phục vụ cho ngành mỹ phẩm và y dược.

+ Nghiên cứu các quy trình, giải pháp khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản thâm canh cho các đối tượng nuôi trồng chủ đạo: như quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn ít thay nước RAS, công nghệ BIOFLOC trong nuôi thâm canh cá rô phi, tôm rảo…góp phần giảm ô nhiễm trong ngành nuôi, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và nâng cao đươc sản lượng nuôi trên một đơn vị diện tích mặt nước, tạo ra lợi nhuận ròng cho người dân và doanh nghiệp khi áp dụng các giải pháp hữu tích này.

+ Phát triển các mô hình bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên biển: xây dựng hồ sơ kỹ thuật trình UNESCO công nhận vinh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên Thế giới. Cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) và khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).

Xây dựng hồ sơ kỹ thuật trình UNESCO công nhận vịnh Hà Long, quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới năm 2023.

+ Hoàn thiện và xây dựng cơ sở khoa học các công cụ phục vụ quản lý tổng hợp đới bờ và quy hoạch không gian biển cho các địa phương vùng ven bờ vịnh Bắc Bộ. Đã hoàn thành xây dựng Luận cứ kinh tế – kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội quần đảo Trường Sa. Các kết quả nghiên cứu về khoa học quản lý và quản trị biển đã nhanh chóng được chuyển giao cho các bộ, ban, ngành và địa phương có biển ứng dụng trong thực tiễn và đạt hiệu quả cao.

Bản đồ quy hoạch không gian biển vịnh Bắc Bộ ( Tỷ lệ: 1:500.000)

Các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất của Viện được đẩy mạnh trong những năm gần đây với việc xây dựng trụ sở mới của Viện tại cơ sở 246 Đà Nẵng, tăng cường đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại cho Phòng thí nghiệm trọng điểm và nâng cao kỹ năng thực hành cho cán bộ phân tích. Là một trong số rất ít đơn vị nghiên cứu biển của Việt Nam đạt 02 chứng nhận phòng thí nghiệm: VLAT và VIMCERTS.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh như là một nguồn lực quan trọng để phát triển tiềm lực. Trong thời điểm dịch bệnh COVID hoành hành, Viện vẫn tổ chức thành công chuyến khảo sát hỗn hợp Việt – Nga lần thứ 7 (2021) trên vùng biển Việt Nam. Hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp IRD triển khai tàu ANTEA khảo sát chuyên đề về môi trường vùng cửa sông trong tương tác sông biển trên phạm vi toàn Việt Nam trong năm 2024. Ngoài ra đa dạng các hình thức hợp tác như  đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nghiên cứu của Viện và đối tác bạn (tiếp nhận Học viên Thạc sĩ và Tiến sĩ đến thực tập tại Viện). Cho tới nay, Viện đã triển khai hợp tác nghiên cứu về khoa học biển với trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, ưu tiên các đối tác truyền thống và có trình độ nghiên cứu biển hiện đại.

Công tác đào tạo cán bộ khoa học biển được Viện hết sức chú trọng, Viện phối hợp với Khoa Khoa học và Công nghệ biển (Học Viện Khoa học và Công nghệ) trong  đào tao mã ngành Tiến sĩ về Quản lý Tài nguyên và Môi trường từ năm 2017. Tính tới thời điêm hiện tại, đã có 12 nghiên cứu sinh được cấp bằng và 7 nghiên cứu sinh đang theo học và sinh hoạt chuyên môn tại Viện. Đào tạo lớp cán bộ trẻ của Viện luôn là ưu tiên trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực kế cận tromg tương lai. Các cán bộ khoa học trẻ của Viện được đào tạo bài bản và có chuyên môn sâu, được rèn nghề tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước.

Ngoài việc triển khai nghiên cứu, từ các kết quả nghiên cứu các nhà khoa học của Viện còn tích cực đăng ký sở hữu trí tuệ, xuất bản thành các sách chuyên khảo, sách giáo trình, công bố kết quả trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước để lan tỏa, làm giàu tri thức, hàng năm Viện đã xuất bản từ 3-5 đầu sách, công bố từ 15-20 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế và khoảng 40-50 bài báo tại các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội nghị, hội thảo.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích các quy trình nuôi trồng thủy sản siêu thâm canh, sẵn sàng để chuyển giao cho người dân và doanh nghiệp

Công tác tư vấn, phản biện xã hội được các nhà khoa học của Viện tích cực tham gia ở mọi cấp độ. Trong 10 năm trở lại đây, các chuyên gia của Viện đã tham gia hàng trăm hội đồng tư vấn khoa học cho chính phủ (các quy hoạch về bảo vệ tài nguyên môi trường biển, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia), thẩm định các dự án khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển của các bộ, ban ngành và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế biển của các địa phương ven biển trong đó lấy trọng tâm là các tỉnh ven biển: thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang… Tập thể các nhà khoa học của Viện đã có những đóng góp quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường biển Formosa năm 2016.

4. ĐÁNH GIÁ THÀNH TỰU CỦA 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Qua chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao cho và đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Truyền thống của Viện ngày càng được phát huy, cơ sở vật chất được tăng cường, tiềm lực cán bộ chuyên môn ngày càng được củng cố vững vàng và phát triển, đảm bảo hoạt động đa ngành và ứng dụng thực tiễn. Uy tín của Viện trong nước và ngoài nước ngày càng được nâng cao.

Nghiên cứu biển là sự nghiệp vinh quang và gian khổ. Để có được tiềm lực  và cơ sở vật chất như ngày nay, nhiều thế hệ đi trước đã phải dồn tâm huyết và trí tuệ, phải đổ cả mồ hôi và xương máu để  xây dựng, bảo vệ và phát triển Viện. Tự hào với truyền thống 65 năm nghiên cứu biển, toàn thể cán bộ viên chức và người lao động đã cùng đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu đưa Viện Tài nguyên và Môi trường biển tiếp tục phát triển đi lên để đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp khoa học biển và kinh tế biển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Có được những thành quả tốt đẹp nêu trên trước hết là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ  nói chung và  khoa học công nghệ  biển nói riêng; Nhờ sự quan tâm tạo điệu kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Chủ tịch Viện, các đồng chí Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nhờ nỗ lực phấn đấu không ngừng vươn lên của nhiều thế hệ lãnh đạo, CBVC và người lao động của Viện đồng tâm hiệp lực, yêu nghề, bám biển, gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp khoa học biển qua các thời kỳ phát triển của Viện.

Có được những thành tích nổi bật trên là còn nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều bộ, ngành, nhất là Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, nhờ sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt của Thành Uỷ, HĐND và UBND Thành phố Hải Phòng qua nhiều thế hệ lãnh đạo; Nhờ sự ủng hộ, hợp tác hiệu quả của nhiều nhiều Sở, Ban, Ngành ở các tỉnh thành địa phương và nhiều Viện, Trường trong cả nước. Đặc biệt, sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp luôn là tài sản vô giá của đơn vị.

5. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo của Ban thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện đã hoàn thành xây dựng để án sáp nhập vào Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và trong tương lai gần đó là những thách thức đòi hỏi phải có sự thích nghi với cấu trúc đơn vị mới và cách thức vận hành mới. Tuy nhiên, dù  được chuyển đổi với cái tên đơn vị mới, tập thể các nhà khoa học biển của Viện luôn xác định phải tiếp tục định hướng các hoạt động sát với nội dung Nghị quyết quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

+ Thúc đẩy việc thành lập các tập thể khoa học mạnh về khoa học và công nghệ biển, có đủ năng lực làm chủ được các công nghệ liên quan đến điều tra, nghiên cứu vùng biển sâu, xa bờ, nhằm đánh giá được đầy đủ nguồn tài nguyên biển của quốc gia – nguồn vốn cho phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn.

+ Phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ cho khai thác, bảo tồn đa dạng sinh học biển và các giải pháp công nghệ nuôi trồng thủy sản siêu thâm canh, an toàn cho môi trường chuyển giao cho người dân và doanh nghiệp.

+ Tăng cường nội lực, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp và nhà quản lý thông qua tăng tỷ trọng thực hiện các nghiên cứu đặt hàng để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

+ Mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác có trình độ nghiên cứu biển tiên tiến để bắt kịp các xu thế trong phát triển các kỹ thuật nghiên cứu biển hiện đại. Tận dụng cơ hội từ các hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn cán bộ khoa học trẻ có đủ năng lực, tuệ và bản lĩnh để kế cận trong tương lai.

Nhìn nhận quá khứ, đánh giá thành quả để định hướng những kế hoạch phát triển cho tương lai. Hành trình 65 năm qua của Viện Tài nguyên và Môi trường biển rất đáng trân trọng, sứ mệnh của tập thể cán bộ nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển này vẫn chưa hoàn thành khi thị trường khoa học và công nghệ vẫn đòi hỏi có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng với chất lượng  cao hơn nữa.  Chúng tôi cho rằng khó khăn còn nhiều, thách thức còn lớn hơn gấp bội trong chặng đường trước mặt. Xin trích dẫn câu ngạn ngữ “Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, phải có chông gai, có vấp váp mới trưởng thành”. Với tinh thần đoàn kết, bề dày truyền thống lịch sử, tinh thần lao động nghiêm túc, dám nghĩ, dám làm và nét văn hóa riêng của đơn vị, tập thể các nhà khoa học của Viện cam kết sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kỷ yếu kỷ niệm 60 năm truyền thống Viện Tài nguyên và Môi trường biển (1959-2021). Tài liệu lưu trữ tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển.
  2. Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Mạnh Hào, Đào Thị Ánh Tuyết, 2020. Tổng quan tình hình nghiên cứu đa dạng sinh học biển và ứng dụng công nghệ sinh học trong thực tiễn sản xuất tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Kỷ yếu Hội nghị khoa học nhân dịp kỷ niệm 45 năm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tiểu ban đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm thông tin tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  3. Nguyễn Văn Quân, 2023. Những đóng góp về khoa học và công nghệ biển của Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho phát triển kinh tế biển bền vững trên địa bàn thành phố Hải Phòng.  Tài liệu lưu trữ tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển.
  4. Nguyễn Văn Quân, 2024. Diễn văn kỷ niệm 65 năm thành lập Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Hội nghị khoa học và gặp mặt truyền thống kỷ niệm 65 năm thành lập Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Tài liệu lưu trữ tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

Nguồn tin: PGS.TS. Nguyễn Văn Quân, Viện Khoa Học Công Nghệ Năng Lượng – Môi Trường

Bài viết cùng chủ đề:

    Phòng hỗ trợ nhân sự