Nghiên cứu mới về bãi triều rạn đá Hải Vân – Sơn Chà, thành phố Huế: Cơ sở khoa học cho bảo tồn và phát triển bền vững

19/05/ 2025 15 lượt xem
Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường (trước đó là Viện Tài nguyên và Môi trường biển) – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cung cấp dữ liệu quan trọng về đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật tại hệ sinh thái bãi triều rạn đá Hải Vân – Sơn Chà, Thành phố Huế. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái biển tại khu vực Hải Vân – Sơn Chà.


Bãi triều rạn đá ven đảo khu vực Hải Vân – Sơn Chà, thành phố Huế

Với 527 loài được ghi nhận, trong đó có 15 loài quý hiếm và 87 loài có giá trị kinh tế, khu vực Hải Vân – Sơn Chà giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì và phục hồi nguồn lợi biển. Tuy nhiên, khu vực này đang chịu áp lực lớn từ khai thác thủy sản, biến đổi khí hậu và các sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học và trữ lượng nguồn lợi sinh vật. Nhằm đánh giá hệ sinh thái bãi triều rạn đá, nghiên cứu đã làm rõ giá trị đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật cũng như vai trò sinh thái của khu vực này trong việc duy trì và phục hồi nguồn lợi biển, PGS.TS. Nguyễn Văn Quân và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học, chức năng sinh thái và nguồn lợi sinh vật hệ sinh thái bãi triều rạn đá khu vực biển ven bờ Hải Vân – Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên Huế” (mã số: ĐL0000.01/23-24).


Sàng lọc mẫu vật tiêu bản trên thuyền khảo sát                                                  PGS.TS. Nguyễn Văn Quân đang tiến hành lặn thu thập mẫu vật

Kết quả nghiên cứu và những phát hiện quan trọng

Trong quá trình thực hiện từ năm 2023 – 2024, đề tài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 312 loài sinh vật thuộc các nhóm rong biển, động vật đáy, cá, nhuyễn thể và giáp xác. Trong đó, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm giống, bào ngư, cá mú, cá dìa, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven biển. Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của bãi triều rạn đá như một sinh cảnh thay thế quan trọng cho các rạn san hô đang suy thoái, cung cấp nơi cư trú, bãi đẻ và bãi giống cho nhiều loài sinh vật biển quan trọng.

Một trong những đóng góp nổi bật của đề tài là việc xây dựng bộ ảnh Atlas gồm 77 loài sinh vật đại diện cho các nhóm cá, thân mềm, giáp xác, da gai và rong biển, trong đó có nhiều loài đặc trưng, loài ưu thế và loài có giá trị kinh tế. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã thiết lập sơ đồ phân vùng đa dạng sinh học dựa trên chỉ số đa dạng sinh học và bản đồ phân bố các loài sinh vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế trong khu vực nghiên cứu ở tỷ lệ 1:25.000. Qua các phân tích chuyên sâu, nghiên cứu đã làm rõ mối tương quan giữa đặc điểm môi trường như nền đáy, trầm tích, độ dốc, tác động của sóng, dòng chảy và các yếu tố mùa vụ với sự phân bố sinh vật biển, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng cho công tác bảo tồn và khai thác hợp lý.


Bản đồ phân bố các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, quý hiếm tại vùng biển ven bờ Hải Vân – Sơn Chà, thành phố Huế


Một số loài có giá trị kinh tế thường gặp ở vùng bãi triều rạn đá khu vực nghiên cứu

PGS.TS. Nguyễn Văn Quân cho biết: Nghiên cứu đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ sinh thái bãi triều rạn đá trong việc duy trì đa dạng sinh học và phục hồi nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016. Các bãi triều rạn đá ven đảo có mối liên kết chặt chẽ với rạn san hô vùng dưới triều và các sinh cảnh trong đầm Lăng Cô, thể hiện rõ qua sự di cư của các loài cá chỉ thị như cá Mú, cá Dìa, cá Hồng theo mùa cũng như pha triều. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các khu vực cần được ưu tiên bảo vệ và đưa ra các giải pháp quản lý bền vững, bao gồm mô hình khai thác hợp lý, quy hoạch vùng bảo vệ sinh thái và khôi phục nguồn lợi tại vùng bãi triều rạn đá nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi của các hệ sinh thái ven biển.

Đặc biệt, nghiên cứu đã phát hiện một loài cá Mú mới cho khoa học – Epinephelus randalli (cá Mú bùn), lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển ven bờ phía Bắc Việt Nam, bao gồm khu vực Thành phố Huế. Đây là loài ngoại lai có tiềm năng ảnh hưởng đến quần thể cá bản địa, do đó cần có giải pháp quản lý phù hợp. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí quốc tế Species Diversity thuộc danh mục SCOPUS, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu sinh học biển và nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.


Loài cá Mú mới cho khoa học – Epinephelus randalli

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã công bố 8 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín, gồm 6 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống SCI-E, SCOPUS, ISSN và 2 bài trên tạp chí chuyên ngành trong nước (VAST2). Những công trình này tập trung vào các lĩnh vực đa dạng sinh học biển, phân loại học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu thủy sản. Đáng chú ý, nghiên cứu đăng trên Iranian Journal of Fisheries Sciences đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân loại một số loài cá dựa trên chỉ số hình thái xương tai, mở ra hướng tiếp cận mới trong sinh thái và ngư loại học. Trong khi, bài báo trên Species Diversity đã làm sáng tỏ tình trạng phân loại của cá song răng dài (Epinephelus bruneus và E. moara), 2 loài có giá trị thương mại cao. Ngoài ra, các nghiên cứu trong nước cũng mang lại những đóng góp quan trọng, điển hình là công trình đánh giá về hệ sinh thái gò, đồi ngầm và sinh cảnh bãi triều rạn đá ven biển và đánh giá tổng quan về nguồn lợi rong nâu Padina tại Việt Nam cũng như khu vực ven biển thành phố Huế.

Nghiên cứu về quần xã sinh vật tại bãi triều rạn đá khu vực Hải Vân – Sơn Chà đã làm sáng tỏ tính đa dạng sinh học cao của hệ sinh thái này, vốn còn ít được quan tâm nghiên cứu. Các bãi triều rạn đá tại Hòn Sơn Chà, Bãi Chuối và Sủng Rong Câu là nơi tập trung nhiều loài có giá trị kinh tế và sinh thái, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp bãi giống, bãi đẻ cho các loài cá biển, rong biển, động vật thân mềm, giáp xác và da gai. Những phát hiện này không chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng cho thành phố Huế mà còn đặt nền tảng cho việc mở rộng vùng lõi của Khu bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Chà, nhằm bảo vệ hiệu quả các sinh cảnh và duy trì nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Trong thời gian tiếp theo, các nhà khoa học sẽ mở rộng nghiên cứu về vai trò sinh thái của bãi triều rạn đá và mối liên kết với các vùng tự nhiên ven bờ khác, đặc biệt là quan hệ giữa rạn san hô dưới triều đang phục hồi và đầm phá Lăng Cô thông qua sự di cư của các loài cá chỉ thị. Đồng thời, cần đưa các khu vực có bãi triều, rạn đá vào các thiết chế bảo tồn như khu bảo vệ nguồn giống thủy sản, vùng lõi mở rộng của khu bảo tồn biển hoặc thiết lập các khu vực cấm đánh bắt theo mùa. Những giải pháp này giúp giảm áp lực khai thác, nâng cao sức chống chịu và phục hồi các hệ sinh thái biển ven bờ sau sự cố môi trường Formosa.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số định hướng bảo tồn như đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của bãi triều rạn đá trên phương tiện truyền thông và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn. Những định hướng này không chỉ bảo vệ bền vững tài nguyên biển mà còn làm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sinh kế địa phương theo hướng kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn.

Nguồn tin: Cổng TTĐT Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

    Phòng hỗ trợ nhân sự