Ngày 1/3, Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH-CN “Đánh giá hiện trạng quần thể dugong và hệ sinh thái cỏ biển tại Côn Đảo, đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn”. Đề tài do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện.
Dugong (còn gọi là con bò biển) là một loài thú biển quý hiếm, được xếp vào mức sắp nguy cấp trong danh lục đỏ IUCN năm 2023, có kích thước trung bình, con trưởng thành có chiều dài khoảng 4m, cân nặng 400kg. Dugong rất thích ăn cỏ biển.
Ở Việt Nam, dugong xuất hiện ở vùng biển Côn Đảo và Phú Quốc. Trong đó, Côn Đảo được xem là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho các loài cỏ biển phát triển, nơi sinh tồn của nhiều loài sinh vật biển quý hiếm như rùa biển và dugong.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết, nhóm thực hiện đề tài đã xác định được ở vùng biển Côn Đảo còn khoảng 12 cá thể dugong thường xuyên xuất hiện và kiếm ăn tại các thảm cỏ biển do Vườn Quốc gia Côn Đảo quản lý. Dugong xuất hiện chủ yếu ở vịnh Côn Sơn, bãi Six Senses và hòn Bảy Cạnh. Một số khu vực khác như: Bãi Nhát, cảng Bến Đầm, Đầm Trầu, mũi Cá Mập, tuy có ghi nhận sự xuất hiện của dugong, nhưng tần suất thấp.
Tần suất bắt gặp dugong sinh sống và kiếm ăn nhiều nhất ở Côn Đảo là vào tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Khu vực ghi nhận nhiều dugong nhất là vịnh Côn Sơn có 8 lần, bãi Six Senses có 7 lần, hòn Bảy Cạnh có 3 lần. Dugong sinh sống và kiếm ăn ở Côn Đảo bao gồm cả cá thể trưởng thành, cá thể con và các cá thể có kích thước trung bình. Chúng hoạt động nhiều vào thời điểm cao triều.
Từ các kết quả điều tra mà đề tài đã thực hiện, ở Côn Đảo có thể khoanh vùng một số khu vực là nơi mà dugong thường xuất hiện kiếm ăn gồm: (1) khu vực vịnh Côn Sơn, (2) khu vực bãi Six Senses, (3) khu vực hòn Bảy Cạnh. Ngoài ra, một số khu vực khác cũng được xem là nơi có dugong xuất hiện như Bãi Nhát, cảng Bến Đầm
Các chuyên gia thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và quản lý bền vững quần thể dugong, cũng như các thảm cỏ biển phân bố tại khu vực Côn Đảo, bảo vệ môi trường sống cho dugong như: kiểm soát câu cá giải trí, giảm thiểu hoạt động của tàu thuyền; sử dụng công cụ truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, chính sách và pháp luật, thành lập trung tâm cứu hộ dugong, trồng phục hồi nguyên vị và chuyển vị các loài cỏ biển ở Côn Đảo…
- Công bố, trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường
- Lãnh đạo Viện Công nghệ môi trường đi thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn
- Nghiên cứu, bảo tồn loài thú biển quý hiếm Dugong
- Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là ‘chìa khóa vàng’ để thịnh vượng
- Lò đốt chất thải rắn y tế VHI-18B
- Hệ thống tuần hoàn chất thải cho phát điện và nông nghiệp hữu cơ