Xuất bản Sách chuyên khảo “Công nghệ xử lý và tuần hoàn bùn thải” của nhóm tác giả Viện KHCN Năng lượng và Môi trường

23/02/ 2024 724 lượt xem

        Sách chuyên khảo: “Công nghệ xử lý và tuần hoàn bùn thải” do PGS. TS. Đỗ Văn Mạnh chủ biên, các đồng tác giả là ThS. Lê Xuân Thanh Thảo, TS. Nguyễn Tuấn Minh, ThS. Huỳnh Đức Long, ThS. Trịnh Minh Việt, ThS. Trần Công Hải (Viện KHCN Năng lượng và Môi trường) và TS. Lương Hữu Thành (Viện Môi trường Nông nghiệp). Sách được phát hành thông qua hệ thống của Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

        Năm 2019, hơn 92 tỷ tấn vật liệu đã được khai thác và xử lý, đóng góp vào khoảng một nửa lượng khí thải CO2 của toàn cầu. Các chất thải được phát sinh bao gồm nhựa, dệt may, thực phẩm, điện tử,… Hơn thế nữa, chúng đang gây ra những hậu quả tiêu cực đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nền kinh tế tuần hoàn (circular economy), thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải theo một cách liên tục và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dựa trên những hiện trạng thực tế hiện nay, các nhà khoa học và kinh tế đã ước tính kinh tế tuần hoàn sẽ cung cấp một giải pháp hạn chế hoặc thay thế việc sử dụng các nguồn tài nguyên thô và có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế thế giới lên tới 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được sự chuyển đổi mang tính cách mạng này đòi hỏi một sự chung tay hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của con người trên toàn thế giới. Theo các nghiên cứu chỉ ra cho thấy, hiện nay mới chỉ có 8,6 % chất thải trên Trái đất được tuần hoàn, con số này chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở các quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến đã phát triển. Thành công của kinh tế tuần hoàn chỉ đạt được khi có sự tập hợp và tham gia của tất cả các bên từ khối nhà nước, xã hội, chuyên gia đến khối tư nhân mới có thể thúc đẩy kịp thời và nhanh chóng quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn và đưa chúng vào thực tế phụ vụ phát triển xã hội.

        Hiện nay, tại Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình điển hình trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất mang tính bền vững trong lĩnh vực xử lý chất thải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có văn bản quy phạm hay quy định cụ thể nào coi chất thải là nguồn tài nguyên, do đó các mô hình đang phát triển hiện nay vẫn mang tính rời rạc, thiếu sức hút và đồng thuận của cộng đồng xã hội. Từ đó dẫn tới không những gây ra sự lãng phí về tài nguyên và vật chất, mà còn tốn chi phí cho xử lý môi trường và thậm chí là gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng quay trở lại chính con người. Để góp phần làm sáng tỏ hơn và tiền đề căn cứ cho sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn từ quá trình xử lý chất thải, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn sách chuyên khảo trình bày về các khái niệm căn bản, phương pháp nghiên cứu, mô hình ứng dụng thực tế cho những đối tượng cụ thể được trình bày lại trong cuốn sách này. Một trong những giải pháp được lựa chọn và nghiên cứu là tận dụng toàn bộ chuỗi giá trị từ các hoạt động sản xuất, logistic, thu hồi nguyên liệu đến xử lý chất thải. Qua đó, mở ra tiềm năng kinh tế tuần hoàn từ chất thải tại Việt Nam. Cuốn sách “Công nghệ xử lý và tuần hoàn bùn thải” sẽ trình bày những thông tin khoa học mới, đầy đủ và tin cậy về lĩnh vực xử lý và tuần hoàn chất thải. Cụ thể hơn, các khái niệm căn bản về công nghệ xử lý chất thải theo hướng tuần hoàn; thu hồi tài nguyên từ chất thải; các giải pháp tuần hoàn và nâng cao giá trị của chất thải; các ứng dụng thực tế và đáng giá từ thực tế. Từ các kết quả thu được đưa ra những luận cứ khoa học đáp ứng được các tiêu chí về xanh hóa trong sản xuất hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững. Hi vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng thực tế cho người đọc.

        Liên hệ đại diện nhóm tác giả: ThS Lê Xuân Thanh Thảo, email: lxtt2211@gmail.com.

 

Bài viết cùng chủ đề:

    Phòng hỗ trợ nhân sự