Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà chứa đựng trong nó những giá trị toàn cầu về di sản địa chất và đa dạng sinh học biển với các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình: rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và đặc biệt là các thảm rừng nguyên sinh thường xanh phát triển tươi tốt trên các đảo đá vôi. Trong các năm 1994 và 2000, vịnh Hạ Long đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới theo các tiêu chí VII và VIII trong khi đó Cát Bà được xếp hạng là danh thắng quốc gia năm 2012.
Năm 2013, tập thể các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển đứng đầu là GS.TS. Đỗ Công Thung được UBND thành phố Hải Phòng lựa chọn là đơn vị tư vấn cùng với các Sở ban ngành của thành phố xây dựng hồ sơ kỹ thuật trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo các tiêu chí thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (tiêu chí ix và x). Hồ sơ kỹ thuật đã được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới. Sau quá trình thẩm định, IUCN đã dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B để Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà”. Kể từ đó tới nay, việc triển khai các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu lập hồ sơ đề cử di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được tiếp tục đẩy mạnh.

Quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề cử di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được đơn vị tư vấn tiếp tục thực hiện từ năm 2016 sau khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà đồng thời giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan. Việc lập hồ sơ đề cử gặp không ít khó khăn do phải chứng minh được các giá trị đa dạng sinh học (biển, trên cạn), giá trị toàn cầu, giá tri đặc hữu của khu vực đề xuất, tính chất liên kết sinh thái của các khu hệ tự nhiên, đề xuất được các giải pháp bảo tồn mang tính hiệu quả và thực tiễn của khu di sản thiên nhiên mang tính liên vùng (02 tỉnh)…Thông qua rất nhiều cuộc họp tham vấn ban soạn thảo hồ sơ kỹ thuật đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý từ UNESCO, Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước. Được sự giúp đỡ với tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự quyết tâm của thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, hồ sơ đề xuất di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị và sẵn sàng để trình Hội đồng di sản Thế giới xem xét và công nhận vào những tháng đầu năm 2021.

Ngày 16/9/2023, tại kỳ họp lần thứ 45, Hội đồng di sản Thế giới của UNESCO được Tổ chức tại Thủ đô Riyadh nước Cộng hòa Ả-rập Xê-út, đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là kết quả của hơn 10 năm liên tục nghiên cứu, kiên trì hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật đề cử của tập thể các nhà khoa học thuộc Viện tài nguyên và Môi trường biển cũng như sự chung tay góp sức của các Sở ban ngành ở 02 địa phương, sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn Hóa Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam đối với công tác bảo tồn và gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên của vùng biển Hạ Long – đảo Cát Bà cho thế hệ hôm nay và mai sau. Vinh dự này là phần thưởng xứng đáng cho các nhà khoa học biển đã sát cánh cùng địa phương nhằm giải quyết được bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên biển.
Chúng tôi cho rằng còn rất nhiều việc phải làm sau khi danh hiệu di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà đã được cộng đồng thế giới tin tưởng và công nhận cho Việt Nam. Trách nhiệm cao của địa phương trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản chỉ thành công khi có sự đồng lòng của các nhà quản lý, các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, du khách…với nền tảng là kiến thức khoa học vững chắc. Tổ chức UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh là bài học kinh nghiệm hết sức giá trị trong việc hài hòa giữa các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung của vùng biển đảo Đông Bắc cũng như của Việt Nam trong những điều kiện tương tự.
- Công bố, trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường
- Quy trình phân tách và thu hồi Amoni (NH4+) trong nước thải nhờ sử dụng thiết bị vật liệu đệm quay ly tâm
- Thông báo Nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương với JSPS – Nhật Bản năm tài chính 2023
- Khởi hành chuyến Khảo sát Hải dương học hỗn hợp Việt – Pháp ở vùng biển Việt Nam bằng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA
- Viện Công nghệ môi trường tiếp đón đoàn Công ty TNHH Quốc Tế Nippon Koei (Nhật Bản)